Theo kịch bản, sau khi xuất hiện động đất tại vùng Bắc Trà My, đập thủy điện Sông Tranh 2 đang chứa 730 triệu m3 nước bị vỡ, dưới hạ du đang có ngập lụt. Gần 62.700 người phải sơ tán khẩn cấp. Báo động thiên tai bằng còi hú hoặc bắn súng chỉ thiên.

UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì xây dựng phương án sơ tán dân khi có động đất gây vỡ đập Sông Tranh 2
Ngày 16/1, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức lấy ý kiến
các Sở, ban, ngành cùng lãnh đạo các địa phương về kế hoạch “Sơ tán
nhân dân vùng động đất và hạ du thủy điện Sông Tranh 2”.
Theo báo cáo, hiện nay Quảng Nam có số dân khoảng
hơn 1,4 triệu người, 87% dân số sống ở nông thôn. Trong đó, dân cư sống
ở các vùng hạ du thủy điện Sông Tranh 2 chủ yếu ở vùng thung lũng, gần
sông suối, mật độ dân cư thưa thớt và sống theo từng vùng khác nhau…
Theo dự thảo, khi có sự cố vỡ đập thủy điện Sông
Tranh 2 gây ngập lụt vùng hạ du, số lượng nhân dân phải sơ tán là gần
62.700 người dân ở 145 thôn, khối phố thuộc 51 xã, thị trấn của 8 huyện,
thành phố trong khu vực; gồm các huyện: Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp
Đức, Nông Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn và Hội An.

Bản đồ sơ tán người dân vùng động đất ở thủy điện Sông Tranh 2 và vùng hạ du
Theo kịch bản dự
thảo thì sau khi xuất hiện động đất tại vùng Bắc Trà My, đập thủy điện
Sông Tranh 2 đang chứa 730 triệu m3 nước bị vỡ, dưới hạ du đang có ngập
lụt. Quảng Nam lập tức điều động mỗi thôn, khối phố 1 đội tìm kiếm cứu
nạn từ 25 đến 30 người; ở cấp xã phường, thị trấn điều động một trung
đội dân quân cơ động; cấp huyện, thành phố điều động 1 đại đội dự bị
động viên, 1 trung đội dân quân cơ động cùng lực lượng cơ động của tỉnh
để kịp thời ứng cứu ngay…
Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc
Trà My - cho rằng quan trọng nhất là nên xác định dự báo, dư lượng khi
xảy ra sự cố, vì hiện nay 5 trạm quan trắc đã được lắp đặt không có chức
năng dự báo… động đất.

Nếu có động đất gây vỡ đập Sông Tranh 2, có khoảng hơn 62 ngàn dân phải sơ tán
Ông cho biết: "Khi sự cố vỡ đập nên xác định rõ hơn
điểm đi và điểm đến, xác định thật chi tiết và nên lấy cao trình 161m
(ở ngưỡng tràn của thủy điện Sông Tranh 2) để xác định cao độ cho người
dân sơ tán ở cao trình đó”.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch huyện Bắc Trà My cũng đề
nghị nên đưa vào phương án lắp đặt còi hú để báo động khi có động đất
xảy ra gây sự cố vỡ đập thủy điện; vì người dân đi làm nương rẫy, không
thể gọi điện thoại cho từng người đi sơ tán và lúc đó cũng không có ai
đủ bình tĩnh để đi gọi điện cho hàng ngàn người dân.
Đại diện huyện Hiệp Đức đề nghị nên xây dựng
phương án cụ thể hơn từ huyện xuống xã. Ngoài còi hú như huyện Bắc Trà
My đề nghị cũng nên bắn súng chỉ thiên để người dân biết khi có sự cố
xảy ra.

Người dân Bắc Trà My cần được trang bị kỹ năng ứng phó với động đất, đặc biệt là động đất gây vỡ đập Sông Tranh 2
Các địa phương như huyện
Nông Sơn, Tiên Phước, Duy Xuyên… cũng đề nghị thêm vào dự thảo kịch bản
càng chi tiết càng tốt để khi kịch bản được phê duyệt và diễn tập thì
thực hiện sẽ dễ dàng hơn. Một số huyện cũng đề nghị nên xác định bản đồ
ngập lụt ở các huyện hạ du khi sơ tán dân, vì dọc theo Sông Tranh đổ ra
sông Thu Bồn đến Cửa Đại có rất nhiều khu vực người dân sinh sống nên
phải tính đến phương án sơ tán số dân này.
Theo Phó Chủ tịch
UBND tỉnh Quảng Nam – ông Nguyễn Ngọc Quang, để phương án đi vào ứng
phó hiệu quả và thiết thực, các địa phương cần tiếp tục rà soát lại các
điểm sơ tán dân cũng như cách đưa dân lên điểm cao khi có sự cố.
Ông
Quang đề nghị ban soạn thảo xây dựng hai tình huống: Động đất gây vỡ
đập trong lúc có lũ lụt (lấy theo đỉnh lũ năm 1964); động đất gây vỡ đập
không có lũ. Thống kê lại vùng nước ngập trong lúc vỡ đập để tính toán
lượng người cần di tản. Ngoài ra,
phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống dự báo, cảnh báo, báo động để thông
tin đến với người dân và chính quyền sớm nhất. Sau khi hoàn thiện, UBND
tỉnh sẽ báo cáo với Trung ương, Quân khu V, Bộ Quốc phòng… để tổ chức
diễn tập thực binh, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên
tai có thể gây ra.